Sứ GIả THể THAO Mỹ 'TRUYềN LửA' CHO VĐV KHUYếT TậT VIệT NAM

Rudy Garcia-Tolson, kình ngư Mỹ 5 lần dự Paralympics, trở thành sứ giả thể thao với mong muốn lan tỏa ngọn lửa nghị lực đến VĐV khuyết tật Việt Nam.

"Mục tiêu của tôi là thay đổi nhận thức của một số người rằng có những việc không dành cho người khuyết tật. Tôi mong bất kỳ người khuyết tật nào cũng có được niềm tin rằng họ sẽ hoàn thành mọi điều mình mong ước, dù là tham gia Paralympics hay trở thành vận động viên chuyên nghiệp, hay đơn giản là song hành với con cái trên đường đời", Rudy Garcia-Tolson, kình ngư Mỹ 35 tuổi, nói với VnExpress trong khuôn khổ chương trình Sứ giả Thể thao.

Chương trình do phái bộ ngoại giao Mỹ tại Việt Nam phối hợp tổ chức, bao gồm khóa đào tạo dành cho 20 huấn luyện viên và 30 vận động viên khuyết tật tại Thừa Thiên Huế, tiếp nối bằng hoạt động cộng đồng tại Quảng Trị. Sứ mệnh của chương trình năm nay là hỗ trợ Việt Nam cải thiện thứ hạng tại ASEAN Para Games, Paralympics và những giải đấu quốc tế khác.

Chương trình cũng kỳ vọng tăng cường nhận thức cộng đồng về quyền lợi của người khuyết tật, cũng như những đóng góp của nhóm này trên nhiều phương diện xã hội, tăng cường năng lực cho HLV Việt Nam trong lĩnh vực thể thao của người khuyết tật.

Garcia-Tolson, kình ngư Mỹ đã góp mặt tại 5 kỳ Paralympics, nói kỳ vọng của anh với vai trò Sứ giả Thể thao Mỹ không chỉ dừng lại ở khía cạnh chuyên môn. Anh còn mong muốn lan tỏa nghị lực cho cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam bằng câu chuyện vượt qua nghịch cảnh của chính mình.

Anh sinh ra với nhiều dị biệt bẩm sinh trên cơ thể do mắc hội chứng popliteal pterygium (PPS), trải qua 15 cuộc phẫu thuật trong 5 năm đầu đời để nắn thẳng chân. Garcia-Tolson sau đó đã phải chấp nhận nhận bỏ đi vĩnh viễn đôi chân để có thể sinh hoạt thuận tiện, thay vì cảnh ngồi xe lăn trọn đời vì những cuộc phẫu thuật liên tiếp.

Đó cũng là lúc cuộc đời của Garcia-Tolson thật sự bắt đầu với nguồn năng lượng tưởng chừng như vô tận dù phải sử dụng chân giả. Anh bén duyên với bơi lội từ năm 6 tuổi, rồi gia nhập đội tuyển bơi ở Riverside, bang California và nhanh chóng thể hiện năng lực vượt trội so với những đứa trẻ có cơ thể lành lặn cùng trang lứa.

Năm 11 tuổi, Garcia-Tolson phá kỷ lục quốc gia ở cự ly 200 m trong hạng mục dành cho VĐV khuyết tật. 5 năm sau, anh tham gia đội tuyển bơi của Mỹ thi đấu tại Paralympics Athens, Hy Lạp, giành một huy chương vàng và xô đổ kỷ lục thế giới ở cự ly 200 m tự do cho VĐV khuyết tật.

Trong bài phỏng vấn trên Triathlon Inspires, Garcia-Tolson kể rằng anh từng phải chịu nhiều hoài nghi về năng lực khi chọn trở thành VĐV bơi lội, khi những người xung quanh cho rằng có những giới hạn mà người khuyết tật "không thể phá vỡ".

"Đầu tiên, họ nói tôi không thể đi được. Sau đó họ nói tôi sẽ không bao giờ chạy được. Người ta bảo tôi đừng mơ đến chuyện tham dự Paralympics, rằng người đã mất cả hai chân chỉ nên ngồi yên trên ghế", anh nhớ lại.

Dù vậy, Garcia-Tolson chưa bao giờ ngừng nỗ lực, góp mặt trong 4 kỳ Paralympics sau đó, được Ủy ban Olympic và Paralympics Mỹ ca ngợi là "đại sứ thể thao" quốc gia.

"Các VĐV khuyết tật có thể không nói cùng ngôn ngữ, đến từ những vùng đất khác nhau, nhưng giữa chúng tôi luôn tồn tại một mối gắn kết đặc biệt: Khiếm khuyết trên cơ thể. Chúng tôi đều chịu cái nhìn khác biệt. Một số trường hợp còn phải chịu đựng sự châm chọc, bị người khác bảo rằng một số việc nằm ngoài khả năng. Tôi muốn thay đổi nhận thức đó", anh nói.

Tâm niệm này cũng là một phần lý do thúc đẩy Garcia-Tolson nhận lời trở thành Sứ giả Thể thao Mỹ đến Việt Nam lần này, với bạn đồng hành là huấn luyện viên kiêm nhà hoạt động quyền lợi cho người khuyết tật Julia Harbough.

Harbough và Garcia-Tolson đều cho rằng thông điệp quan trọng nhất của chương trình là truyền cảm hứng, niềm tự hào cho các VĐV khuyết tật về khả năng không ngừng tiến bộ của bản thân. Chương trình cũng mang ý nghĩa thiết thực về chuyên môn, khi các VĐV, HLV Việt Nam được tiếp cận công nghệ, hạ tầng tập luyện hiện đại mà ở địa phương có thể chưa đủ ngân sách đầu tư.

VĐV khuyết tật tham gia chương trình còn được trang bị thêm những kỹ năng cần thiết về huấn luyện và tư duy vượt qua nghịch cảnh không chỉ trong thể thao mà cả trong cuộc sống. Mỗi thành viên khóa học cũng có thể trở thành sứ giả để lan tỏa nghị lực khi trở về địa phương, áp dụng những điều mình đã học cho cộng đồng người khuyết tật ở quê nhà.

Garcia-Tolson cho rằng thể thao là công cụ hữu ích tạo ra động lực, đặc biệt là với VĐV khuyết tật. Họ không kém cạnh những VĐV viên bình thường nếu xét riêng về năng lực chuyên môn, trong khi thử thách với họ còn lớn hơn.

"Tôi mong muốn xã hội sẽ nhìn nhận khác hơn về VĐV khuyết tật, tập trung vào thành tựu và tài năng của họ, thay vì những khuyết thiếu trên cơ thể", Garcia-Tolson chia sẻ.

Anh bày tỏ tin tưởng VĐV khuyết tật Việt Nam sẽ sớm cải thiện được vị thế trên các bảng xếp hạng khu vực cũng như thế giới, nếu được xã hội quan tâm đầu tư hơn nữa và bản thân các VĐV không ngừng nỗ lực.

Ba VĐV khuyết tật Việt Nam đã tham gia môn bơi tại Paralympic Tokyo 2022, nhưng Garcia-Tolson mong muốn con số này sẽ tăng lên trong những giải đấu tới.

"Thế giới luôn cần nhiều hình mẫu truyền cảm hứng, đặc biệt trong cuộc sống hiện đại. Câu chuyện truyền cảm hứng từ những VĐV khuyết tật luôn rất hữu ích và mang lại giá trị tuyệt vời cho cuộc sống", anh nói.

Võ Thạnh - Thanh Danh

Đọc bài gốc tại đây.

2023-11-13T08:25:29Z dg43tfdfdgfd