Sau những trường hợp xuất ngoại bất thành của Công Phượng, Quang Hải hay Văn Toàn, liệu cầu thủ Việt Nam có còn động lực để xuất ngoại?
Vỡ mộng xuất ngoại
Từng có giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, xuất ngoại trở thành một giấc mơ, hoài bão, khát vọng với nhiều cầu thủ Việt Nam. Chuyện Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu, Đặng Văn Lâm lần lượt tìm kiếm cơ hội ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Hà Lan… đã truyền cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp.
Khi ấy, bất cứ tuyển thủ quốc gia Việt Nam nào khi được đặt câu hỏi về chuyện xuất ngoại, đều ấp ủ một giải đấu tầm cỡ mà họ mong mỏi hướng đến.
Đơn cử là Nguyễn Văn Toàn. Anh thậm chí còn hiện thực hóa mong muốn sang Hàn Quốc chơi bóng, khi chuyển đến Seoul E-Land vào đầu năm 2023. So với các đồng đội như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh thì Văn Toàn xuất ngoại muộn hơn tới 7 năm.
Cầu thủ Văn Toàn trở về nước sau 9 tháng thi đấu tại Hàn Quốc. Ảnh: Seoul E-landVăn Toàn đã chuẩn bị rất kỹ cho tâm thế sang một quốc gia có nền bóng đá mạnh hơn V.League. Anh tập trung rèn luyện thể chất, tích lũy kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, tìm hiểu văn hoá và ngôn ngữ Hàn Quốc.
Nhưng sau cùng, chỉ sau 9 tháng thi đấu tại Seoul E-Land, Văn Toàn đã quyết định về nước. Tiền đạo sinh năm 1996 gia nhập Nam Định trước mùa giải V.League 2023-2024 và cùng đội bóng thành Nam vô địch V.League.
Trước Văn Toàn, Quang Hải cũng từ bỏ hoài bão xuất ngoại. Đáng nói, chỉ trước đó đúng 1 năm, tức tháng 4.2022, chân sút 27 tuổi còn rực cháy khát khao sang nước ngoài chơi bóng sau khi hết hợp đồng với Hà Nội FC.
Quang Hải không thành công khi thi đấu ở Pháp. Ảnh: Pau FCBản thân anh có gần 3 tháng để chuẩn bị kiến thức từ dinh dưỡng, thể lực cho đến ngoại ngữ để thích nghi với Pau FC (Pháp). Thực tế, cầu thủ này đã có những tháng đầu suôn sẻ tại đất nước lục lăng, được tạo điều kiện ra sân thi đấu.
Nhưng sau cùng, mọi thứ chệch đường ray với Quang Hải vào đầu năm 2023, trước khi trở về về Việt Nam khoác áo đội Công an Hà Nội tại giai đoạn 2 V.League 2023.
Liệu cầu thủ còn cảm hứng?
Tương tự Văn Toàn, Quang Hải đã đúng khi trở lại Việt Nam. Anh từng bước tìm lại cảm giác bóng cũng như vô địch V.League thêm một lần nữa trong sự nghiệp. Thời điểm này, Quang Hải không có dự định xuất ngoại, bản hợp đồng kéo dài 3 năm cùng một số điều khoản phụ có thể ràng buộc Hải "con" với đội bóng ngành công an cho tới khi anh hơn 30 tuổi.
Hẳn nhiên, ở cột mốc ấy, việc duy trì phong độ và thể lực tại V.League với Quang Hải đã là một thách thức, chứ đừng nói câu chuyện sang nước ngoài để chứng minh tầm vóc bản thân.
Công Phượng là trường hợp tiếp theo thất bại khi xuất ngoại. Ở tuổi 29, chân sút quê Nghệ An có lần thứ 3 trong sự nghiệp không thành công khi rời Việt Nam.
Câu chuyện hồi hương, thậm chí chấp nhận xuống chơi giải hạng Nhất Quốc gia của Công Phượng vốn đã tốn quá nhiều giấy mực. Ngoài ra, việc kí hợp đồng tới 3 năm, kèm theo điều khoản có thể gia hạn thêm 1 năm với câu lạc bộ Bình Phước coi như khép lại hoài bão xuất ngoại của Công Phượng từ đây.
Khi những gương mặt hay nhất của bóng đá Việt Nam trong 10 năm qua không thành công ở môi trường nước ngoài, chuyện xuất ngoại cũng trở thành giấc mơ xa xỉ với các cầu thủ hiện tại.
Hoàng Đức có thể tiếp tục thi đấu ở V.League trong 2-3 năm tới. Ảnh: Thể Công ViettelKhông nhiều cầu thủ - từ tài năng trẻ đến những cái tên chất lượng ở V.League - cân nhắc việc rời Việt Nam để chinh chiến tại một mảnh đất khác.
Chuyện Hoàng Đức không sang Thái Lan hay Hàn Quốc là minh chứng rõ ràng hơn cả. Thay vì xuất ngoại, anh quyết định lựa chọn thực tế hơn, đó là ở lại Việt Nam và kí bản hợp đồng dài hạn với mức lót tay lớn.
Nhìn những người đàn anh đi như vậy, liệu các tài năng trẻ ở cấp độ U23, U20 hay U17 có tiếp tục hoài bão xuất ngoại, hay lựa chọn một con đường an toàn, bớt chông gai hơn? Đó là câu hỏi mà giới mộ điệu cần thêm rất nhiều thời gian để tìm câu trả lời.
Đọc bài gốc tại đây.
2024-09-30T14:22:00Z dg43tfdfdgfd