TP - Nhận được nhiều kỳ vọng nhưng các chàng trai U20 Việt Nam lại mang đến thất vọng. Sau thất bại ở Vòng loại U20 châu Á 2025, có lý do để lo ngại cho tương lai các cầu thủ cũng như bóng đá Việt Nam.
Các tuyển thủ U20 Việt Nam thất vọng sau trận thua U20 Syria. Ảnh: Quyết Thắng |
Cánh cửa đến với VCK U20 châu Á 2025 tưởng rằng rất mở, cuối cùng đã khép lại với U20 Việt Nam. Đội quân của HLV Hứa Hiền Vinh chỉ cần một trận hòa, nhưng rốt cuộc lại thua U20 Syria và không thể nằm trong nhóm 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.
Thật đáng buồn khi đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, sau 6 kỳ liên tiếp góp mặt, các cầu thủ trẻ của chúng ta đứng ngoài cuộc ở VCK U20 châu Á. Trong khoảng thời gian dài, tham gia VCK U20 châu Á đã trở thành thói quen, nhưng bây giờ, nó trở thành nỗi thất vọng.
Nhìn lại hành trình vòng loại, U20 Việt Nam chỉ có thể tự trách mình. Chơi sân nhà và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả trên sân Lạch Tray trước các đối thủ không thực sự vượt trội, lẽ ra thầy trò HLV Hứa Hiền Vinh phải làm tốt hơn. Tuy nhiên, họ đã không. Ở 3 trận đầu tiên, mặc dù toàn thắng nhưng U20 Việt Nam không thể tạo nên những màn trình diễn bắt mắt và hiệu quả. Đến trận gặp Syria, những hạn chế tiếp tục bị phơi bày.
U20 Việt Nam có vấn đề lớn trong việc triển khai bóng cũng như tính sáng tạo. Nhiều thời điểm U20 Syria đá thấp và Công Phương cùng đồng đội có rất nhiều bóng, nhưng bất lực để tiến vào khu vực 1/3 sân đối phương. Ngoài khả năng di chuyển không bóng thiếu linh hoạt để mở ra khoảng trống, chất lượng đường chuyền cũng như tính chính xác của các quyết định đưa ra rất thấp. Chưa hết, U20 Việt Nam còn gây hoang mang với nhiều khoảnh khắc mắc sai lầm, sau đó bối rối lúc U20 Syria đột ngột tăng tốc và trước áp lực, Ngọc Chiến lúng túng đưa bóng về lưới nhà.
Cái cách U20 Việt Nam phản ứng sau bàn thua cũng không thể làm hài lòng bất cứ ai, cả về tinh thần cũng như những gì làm được trên sân. Họ vẫn thiếu sự chính xác, tính cấp bách và dĩ nhiên, cơ hội tạo ra quá ít ỏi và không rõ ràng để biến thành bàn thắng.
Đúng là U20 Việt Nam có một số bất lợi, như việc chơi liên tục 4 trận trong 7 ngày khiến thể lực cầu thủ bị bào mòn, hay các trụ cột Nguyễn Công Phương (Thể Công Viettel) và Lê Đình Long Vũ (SLNA) hội quân rất muộn bởi CLB chủ quản không nhả người sớm. Tuy nhiên, toàn đội có tới 1 tháng để chuẩn bị, và 23 cầu thủ trong danh sách cũng rất tiềm năng. Có những người trong số họ tham gia chuyến tập huấn dài ngày ở Đức, có người chinh chiến ở vòng loại và VCK U17 châu Á 2023, không ít từng chơi cho U19, U23 Quốc gia. Khó có thể nói họ thiếu kinh nghiệm thực chiến hay sự gắn kết.
Trước khi mất vé dự VCK U20 châu Á 2025, kể từ năm 2002 đến nay, U20 Việt Nam chỉ duy nhất 1 lần không vượt qua vòng loại năm 2008. Còn lại, 10 lần giành vé và 9 lần tham dự (giải năm 2020 bị hủy vì Covid-19), bao gồm năm 2016 vào đến bán kết.
Vẫn có một vài điểm sáng từ các màn trình diễn của U20 Việt Nam tại vòng loại U20 châu Á 2025. Đó là một Quang Duyệt xông xáo ở tuyến giữa, hay Công Phương cho thấy tài năng vượt trội ở tuổi 18. Chỉ có điều những cá nhân không thể khỏa lấp hạn chế của toàn đội, từ lối chơi tổng thể đến các mảng miếng chiến thuật.
Nhìn rộng hơn, việc tuột mất tấm vé tới VCK U20 châu Á không phải thảm họa, nhưng là đòn mạnh giáng vào niềm tin của người hâm mộ. Như tất cả đã biết, bóng đá Việt Nam đang mơ giấc mơ World Cup. Sau khi bị loại ngay từ vòng loại thứ hai World Cup 2026, mục tiêu chuyển hướng tới World Cup 2030. Có nghĩa là lứa U20 hiện tại, với những chàng trai sinh năm 2005-2007 sẽ đóng vai trò quan trọng. Và VCK U20 châu Á 2025 là cơ hội tốt để cọ xát, nâng cao năng lực. Tiếc là họ lại bỏ lỡ.
Bây giờ tất cả buộc phải nỗ lực nhiều hơn để kiếm suất đá chính ở CLB và trải nghiệm, hoàn thiện bản thân tại sân chơi V-League. Với các cầu thủ trẻ, đó là một hành trình khá gian nan.
Đọc bài gốc tại đây.
2024-09-30T23:43:50Z dg43tfdfdgfd