THể THAO VIệT NAM THắNG ở CHâU LụC NHưNG VẫN KHó GIàNH SUấT OLYMPIC

Thể thao Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui khi tuyển thủ thể dục dụng cụ, taekwondo giành huy chương ở giải vô địch châu lục nhưng trên đấu trường vòng loại Olympic thì họ đều thất bại.

Phân cấp ở đấu trường Olympic

Đội thể dục dụng cụ Việt Nam đã thi đấu giải vô địch châu Á 2024 ở Uzbekistan và khép lại ngày thi đấu cuối cùng 19.5, chúng ta giành được một Huy chương Bạc trong nội dung vòng treo đơn môn nam từ kết quả biểu diễn của tuyển thủ Nguyễn Văn Khánh Phong. Cùng thời điểm, tại ngày cuối 18.4 thi đấu giải taekwondo vô địch châu Á 2024 (nội dung đối kháng) được tổ chức trên sân nhà ở Đà Nẵng, taekwondo Việt Nam giành được một Huy chương Vàng quan trọng nhờ kết quả thi đấu của võ sĩ Bạc Thị Khiêm (67kg nữ). Hai tấm huy chương mang giá trị chuyên môn ý nghĩa cho thể thao Việt Nam vì đó là huy chương ở cấp độ vô địch châu lục. Xét về chuyên môn, từng người họ (Khánh Phong, Bạc Thị Khiêm) đã nỗ lực và mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Cách đó chưa lâu, hai tuyển thủ trên đã thi đấu nhưng không giành được suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Bạc Thị Kiêm là tuyển thủ được dự giải vòng loại Olympic môn taekwondo khu vực châu Á (tháng 3.2024, Trung Quốc) nhưng cô thất bại. Đội taekwondo Việt Nam không có suất Olympic Paris 2024. Tuyển thủ Nguyễn Văn Khánh Phong đã dự các lượt giải World Cup 2024 của thể dục dụng cụ thế giới từ tháng 2.2024 đến tháng 4.2024 nhưng không có kết quả tốt nhất nhằm tranh thứ hạng an toàn nên không được suất dự Olympic Paris 2024. Kết quả Huy chương Bạc của Khánh Phong tại giải vô địch châu Á 2024 không được tính vào thành tích xét suất Olympic Paris 2024.

Giành suất Olympic trong giai đoạn thể thao rất phát triển hiện tại đã không dễ. Nếu không muốn nói, nếu tuyển thủ Việt Nam không thật sự vượt trội là khó đủ sức tranh được suất dự Olympic. Đội taekwondo Việt Nam đã có suất chính thức dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 nhưng bây giờ, điều này không lặp lại trong khi tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam đã liên tiếp có vận động viên được suất dự Olympic các năm 2008, 2012, 2016, 2020 nhưng chu kỳ ấy đã khép lại với lần Olympic Paris 2024 này.

Phải thay đổi hoặc càng gặp khó

Ngành thể thao luôn xếp thể dục dụng cụ và taekwondo trong nhóm thứ nhất - nhóm các môn trọng điểm, được đầu tư cao nhất để thực hiện các nhiệm vụ tranh tài quốc tế, trong đó có Olympic. Chúng ta không thiếu các tuyển thủ của từng môn đấu trên thành danh tại đấu trường SEA Games, thậm chí giành được kết quả huy chương vô địch châu Á. Tuy nhiên, đấu trường vòng loại Olympic là nơi không dễ tranh chấp.

Từng môn thể thao đang có sự thay đổi khác biệt về thể thức thi đấu nhằm tranh suất chính thức dự Olympic. Liên đoàn thể dục dụng cụ thế giới đã có quy định mới về xét suất trao cơ hội dự Olympic cho vận động viên mà ở đó ưu tiên trên hết là họ phải thi đấu đầy đủ các giải quốc tế thay vì chỉ tập trung vào một giải cố định để tranh suất dự Olympic. Việc đưa ra quy định như vậy để Liên đoàn thể dụng mang lại mong muốn phát triển tốt hơn môn đấu cũng như vận động viên phải thi đấu đảm bảo như quy định.

Môn taekwondo có những quy định ngặt nghèo về trao suất dự Olympic. Tương tự như các môn khác, ngoài giải vòng loại Olympic của từng khu vực địa lý, các Liên đoàn taekwondo thành viên cũng phải chủ động cử tuyển thủ tham dự đủ số giải quốc tế quan trọng. Các đội tuyển thể thao của Việt Nam nắm rõ sự đổi mới này và ban huấn luyện nào cũng muốn được nhiều cơ hội cử con người của mình đi thi đấu. Bài toán nguồn lực vẫn là khó giải nhất.

Bởi vì, ngân sách mà Cục Thể dục Thể thao được cấp cho các hoạt động (trong một năm) từ đó phân bổ đến từng bộ môn dựa trên kế hoạch chuẩn bị chuyên môn phải được tính toán kỹ lưỡng. Thể thao Việt Nam đã có trường hợp Nguyễn Thị Ánh Viên được tập trung chuyên biệt một thầy, một trò với nhiều tỉ đồng tập huấn dài hạn ở nước ngoài trước đây. Bây giờ, chưa tuyển thủ nào được cơ hội đầu tư như vậy.

Thể thao Philippines đã có chiến lược đầu tư trọng tâm cho môn thể dục dụng cụ nam, mà ở đó nhà quản lý sớm gửi các gương mặt trẻ đến Nhật Bản tập luyện từ giai đoạn tuổi nhi đồng nhằm có phát triển cho tương lai.

Với thể dục dụng cụ, khi Liên đoàn thể dục Việt Nam không kêu gọi được nguồn xã hội hóa đầu tư dài hạn, nhà nước chỉ có kinh phí vừa đủ, chương trình cử một tuyển thủ đi tập nhiều năm ở một quốc gia như kể trên là không khả thi. Muốn một kết quả tốt nhất, ngành thể thao Việt Nam nên chăng cần thay đổi cách đầu tư trọng điểm dành cho con người trọng điểm.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-22T04:26:20Z dg43tfdfdgfd